THÔNG ĐIỆP SPE SALVI

 của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

gửi Chư Vị Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ cùng Toàn Thể Tín Hữu Giáo Dân

về Niềm Hy Vọng Kitô Giáo 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/encyclicals/documents/hf_ben-xvi_enc_20071130_spe-salvi_en.html

(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)

 

Sự sống đời đời – sự sống này là gì?

10.       Cho tới đây chúng ta đã nói về đức tin và đức cậy trong Tân Ước cũng như nơi Kitô giáo sơ khai; tuy nhiên bao giờ cũng cần phải ý thức rõ ràng là chúng ta không chỉ đang nói tới quá khứ mà thôi: tất cả việc suy tư này liên quan tới sống chết nói chung, và vì thế cũng liên quan tới chúng ta đang sống trên thế gian này. Bởi vậy, giờ đây chúng ta cần phải minh nhiên hỏi rằng: phải chăng niềm tin kitô giáo hôm nay cho chúng ta một niềm hy vọng biến đổi sự sống và bảo trì sự sống?

Phải chăng đối với chúng ta nó là những gì “khả thi” – phải chăng nó là một sứ điệp hình thành đời sống của chúng ta một cách mới mẻ, hay nó chỉ là một thứ ‘tín liệu’ mà tạm thời chúng ta gạt qua một bên và là thứ tín liệu giờ đây đối với chúng ta dường như bị thay thế bởi thứ tín liệu mới mẻ hơn? Trong việc tìm kiếm câu trả lời, tôi muốn bắt đầu bằng hình thức đối thoại cổ điển là hình thức nghi thức Rửa Tội sử dụng để tiếp nhận một em bé vào cộng đồng tín hữu và việc em bé tái sinh trong Chúa Kitô. Trước hết, vị linh mục hỏi tên thánh của em được cha mẹ chọn cho em, thế rồi ngài tiếp tục bằng câu hỏi: “Anh chị em muốn xin gì nơi Giáo Hội?” Đáp: “Đức tin”. “Và đức tin cống hiến cho anh chị em những gì?” “Sự sống đời đời”. Theo cuộc đối thoại này, cha mẹ đang tìm cách đến với đức tin cho đứa con của mình, đến với mối hiệp thông cùng thành phần tín hữu, vì theo đức tin họ thấy được cái then chốt vào “sự sống đời đời”. Ngày nay, như trong quá khứ, đây là những gì được rửa tội, trở nên Kitô hữu, là tất cả mọi sự: nó không phải chỉ là một tác động xã hội hóa trong cộng đồng, chỉ là một cuộc tiếp đón vào Giáo Hội. Cha mẹ mong một cái gì hơn nữa cho con người được rửa tội: họ mong có được một thứ đức tin, một thứ đức tin bao gồm bản chất hữu hình của Giáo Hội cùng với các bí tích của Giáo Hội, sẽ cống hiến sự sống cho đứa con của họ – sự sống đời đời. Đức tin là bản chất của niềm hy vọng. Thế nhưng vấn đề được đặt ra ở đây là: chúng ta có thực sự muốn đức tin này hay chăng – để sống đời đời? Có lẽ nhiều người ngày nay từ bỏ đức tin vị họ không thấy viễn ảnh về sự sống đời đời là những gì thu hút hấp dẫn. Những gì họ muốn không phải là sự sống đời đời gì hết mà là sự sống hiện tại đây, những gì dường như bị trở ngại làm sao ấy bởi niềm tin tưởng vào sự sống đời đời. Việc tiếp tục sống muôn đời – một cách khôn cùng – dường như là một khốn nạn hơn là một ân ban. Chết dĩ nhiên là những gì ngưoơi ta muốn trì hoãn bao lâu có thể. Thế nhưng sống mãi mãi, sống không cùng – thì điều này, xét cho cùng, có thể chỉ là những gì đơn điệu và cuối cùng là những gì bất khả chấp. Đây chính là vần đề đã được nêu lên, chẳng hạn, bởi Thánh Ambrose, một trong những vị Giáo Phụ của Giáo Hội, trong bài diễn từ an táng cho người anh em qua đời của ngài là Satyrus: “Chết không phải là những gì thuộc về bản tính; nó trở thành những gì thuộc về bản tính. Thiên Chúa không ấn định cái chết xẩy ra ngay từ ban đầu; Ngài ấn định nó như là một phương trị. Đời sống của con người, vì tội lỗi… bắt đầu cảm thấy gánh nặng của tình trạng khốn khổ nơi việc không ngừngï lao nhọc và sầu thương bất khả chịu đựng. Cần phải có một giới hạn cho những sự dữ của sự sống con người; cái chết phải phục hồi những gì sự sống đã bị tước đoạt. Không có sự trợ giúp của ân sủng thì cái bất tử trở thành một khốn nạn hơn là một phúc lành” (6). Trước đó một chút, Thánh Ambrôsiô đã nói: “Bởi vậy, chết không phải là lý do để than khóc, vì nó là căn do của việc nhân loại được cứu độ” (7).

11.       Bất cứ những gì Thánh Ambrôsiô thật sự muốn nói tới bằng những lời lẽ ấy, thì quả thực là việc loại trừ cái chết hay trì hoãn cái chết không nhiều thì ít một cách vĩnh viễn sẽ đặt trái đất này và nhân loại vào một tình trạng bất khả, và thậm chí đối với cả con người chẳng mang lại thiện ích gì. Hiển nhiên ở nơi thái độ của chúng ta có một cái gì đó nghịch thường, một thái độ cho thấy một cái mâu thuẫn nội tâm ở ngay cuộc sống của chúng ta. Một đàng, chúng ta không muốn chết; nhất là những ai yêu quí chúng ta đều không muốn thấy chúng ta chết. Tuy nhiên, đàng khác, chúng ta lại không muốn tiếp tục sống vĩnh viễn hay trái đất này không được dựng nên theo chiều hướng ấy. Vậy thì chúng ta thực sự muốn gì đây? Thái độ ngược đời của chúng ta gợi lên một câu hỏi sâu xa hơn nữa: thật ra “sự sống” là gì? Và “đời đời” có nghĩa là gì? Có những lúc đột nhiên nó trở nên sáng tỏ đối với chúng ta: phải, đó là những gì “sự sống” thực sự là – đó là những gì nó cần phải như thế. Ngoài ra, những gì chúng ta gọi là “sự sống” bằng ngôn ngữ thường nhật của chúng ta không phải là “sự sống” thực sự. Thánh Âu Quốc Tinh, trong bức thư dài về cầu nguyện được ngài ngỏ cùng Proba, một bà góa Rôma giầu có và là mẹ của ba vị lãnh sự, có lúc đã viết như thế này: nói cho chùng chúng ta chỉ muốn duy có một điều – “sự sống vinh phúc”, một sự sống là thuần túy sự sống, là thuần túy “hạnh phúc”. Nói cho cùng thì khi cầu nguyện chúng ta không xin một cái gì khác cả. Cuộc hành trình của chúng ta không có một đích điểm nào khác – nó chỉ về sự sống này mà thôi. Thế nhưng, sau đó Thánh Âu Quốc Tinh còn nói: nhìn kỹ hơn, chúng ta cũng không có ý nghĩ về những gì chúng ta tối hậu ước muốn, những gì chúng ta thực sự thích. Chúng ta không biết thực tại này gì hết: ngay cả trong những lúc chúng ta nghĩ chúng ta có thể vươn tới nó hay chạm được nó tì nó lại tránh né chúng ta. Trích lời Thánh Phaolô, thánh nhân nói rằng “chúng ta không biết những gì chúng ta cầu xin cho phải” (Rm 8:26). Tất cả những gì chúng ta biết thì không phải là điều ấy. Tuy nhiên, trong cái không biết, chúng ta biết rằng thực tại này cần phải hiện hữu. “Bởi thế, ngài viết “trong chúng ta có thế nói có một thứ vô thức được biết nào đó (docta ignorantia)”. Chúng ta không biết những gì chúng ta thực sự thích; chúng ta không biết “sự sống thực sự” này; tuy nhiên chúng ta biết rằng cần phải có một điều gì đó chúng ta không biết là những gì chúng ta cảm thấy bị chi phối (8).

12.       Tôi nghĩ rằng bằng cách thức rất xác đáng và vĩnh viễn hiệu lực này, Thánh Âu Quốc Tinh đã diễn tả tình trạng thiết yếu của con người, một tình trạng làm nổi lên tất cả những gì là xung khắc và hy vọng của họ. Ở một nghĩa nào đó chúng muốn chính sự sống, sự sống đích thực, sự sống không được chạm tới cho dù là sự chết; tuy nhiên, đồng thời chúng ta lại không biết điều chúng ta cảm thấy được thúc đẩy tới. Chúng ta không thể không vươn tới nó, nhưng chúng ta biết rằng tất cả những gì chúng ta cảm thấy hay hoàn thành không phải là những gì chúng t among đợi. Cái “không biết” này là “niềm hy vọng” thực sự lôi kéo chúng ta, và đồng thời sự kiện nó là những gì không được biết tới là nguyên do cho tất cả mọi hình thức thất vọng cũng như của tất cả mọi cố gắng nỗ lực, hoặc tích cực hay hủy hoại, nhắm tới tính chất chân thực của trần thế và chân thực của con người. Chữ “sự sống đời đời” là để đặt tên cho “cái vô thức” được biết ấy. Chắc hẳn nó là một từ ngữ không thích đáng gây nên lẫn lộn. Thật vậy, “đời đời” gợi lên cho chúng ta ý nghĩ về một cái gì đó vô cùng bất tận, và cái đó làm cho chúng ta run sợ; “sự sống” làm cho chúng ta nghĩ về sự sống chúng ta biết đến và yêu chuộng và không muốn mất nó, cho dù nó rất thường gây ra lao nhọc hơn là thỏa đáng, để rồi một đàng chúng ta muốn nó đàng khác chúng ta lại không muốn nó. Hãy tưởng tưởng mình ở ngoài cái tạm thời đang giam hãm chúng ta và một cách nào đó cảm thấy rằng cái đời đời không phải là một thứ liên tục vô tận của ngày tháng theo niên lịch, mà là một cái gì đó giống như giây phút tột đỉnh của sự mãn nguyện, giây phút những gì là toàn vẹn bao chiếm chúng ta và chúng ta chiếm được cái toàn vẹn – thì điều này chúng ta chỉ có thể nỗ lực. Nó giống như chìm vào trong bể khơi của tình yêu vô cùng, một giây phút mà thời gian – cái có trước hay có sau – không còn hiện hữu nữa. Chúng ta chỉ có thể nỗ lực nắm bắt được ý nghĩ rằng một giây phút như thế là sự sống trọn vẹn ý nghĩa nhất, một sự chìm ngập hằng mới mẻ vào cái bao la của sự hiện hữu, trong đó chúng ta hoàn toàn tràn ngập niềm vui. Đó là cách thức Chúa Giêsu diễn tả nó trong Phúc Âm Thánh Gioan: “Thày sẽ gặp lại các con và lòng các con sẽ hân hoan, và không ai sẽ lấy mất được niềm vui của các con” (16:22). Chúng ta cần phải suy nghĩ theo chiều hướng này nếu chúng ta muốn hiểu đối tượng của niềm hy vọng Kitô giáo, hiểu được những gì chính niềm tin tưởng của chúng ta, việc chúng ta ở với Chúa Kitô, dẫn chúng ta đến chỗ trông mong (9).